Đôi nét về Làng thêu Minh Lãng

Trải qua bao thăng trầm lịch sử, Làng thêu Minh Lãng vẫn giữ được những nét văn hóa truyền thống. Nơi đây đã khẳng định sức sống bền bỉ của những sản phẩm thêu tinh tế, tỉ mỉ. Hãy cùng chúng tôi tìm hiểu kỹ hơn trong bài viết dưới đây nhé.

1. Quá trình tạo dựng thương hiệu

Những năm sau giải phóng đất nước đến cuối thập niên 80 là thời kỳ cực thịnh của làng thêu Minh Lãng. Việc ký hợp đồng với Liên Xô và một số nước Đông Âu đã làm cho Minh Lãng lúc ấy thực sự trở thành một xưởng thêu lớn. Ba hợp tác xã thêu được thành lập thu hút trên 2.000 lao động. Bấy giờ trong làng, nhà nào ít nhất cũng có 2 khung thêu, nhà nhiều thì 4, 5 khung. Cả làng từ thiếu niên, nam thanh nữ tú đến người già 60 – 70 tuổi đều thêu.

Xã Minh Lãng lúc ấy nổi tiếng khắp cả nước, là điển hình mẫu cho mô hình phát triển công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp nông thôn. Khi nghề thêu đang phát triển cực thịnh thì đến những năm 1989 – 1990 thị trường Liên Xô và các nước Đông Âu tan rã. Hàng thêu Phù Lôi rơi vào tình trạng không có đầu ra. Hàng trăm khung thêu phải xếp lại, nhiều gia đình đã 2, 3 đời gắn bó cũng đành bỏ nghề… Nghề thêu có nguy cơ bị mai một và mất vĩnh viễn.

Làng thêu Minh Lãng
Làng thêu Minh Lãng

Không cam tâm để mất nghề tổ tiên, những bậc thuộc tầng lớp gạo cội của làng đã đi tìm lối ra cho nghề… Sau bao vất vả, cuối cùng họ cũng đã được đền đáp xứng đáng. Tháng 10/1992, tại TP Hồ Chí Minh, các ông đã ký được hợp đồng với 2 hãng thêu nổi tiếng là Ha-vi-cô của Nhật Bản và Tai-ô-đô của Hàn Quốc.

Từ đó, nghề thêu Minh Lãng lại được hồi sinh. Tuy nhiên, khi tiếp xúc với thị trường mới, nghề thêu Minh Lãng đã gặp không ít khó khăn. Nhưng vốn có đôi bàn tay khéo léo, người thợ thêu Minh Lãng đã nhanh chóng vượt qua những bỡ ngỡ ban đầu. Dần đáp ứng được yêu cầu của bất kỳ khách hàng khó tính nào. Sau bao thăng trầm, nghề thêu ở Minh Lãng đã tạo dựng nên thương hiệu của riêng mình.

2. Đột phá trong mẫu mã và chất lượng

Minh Lãng nổi tiếng trong làng thêu Việt Nam bởi sự năng động, sáng tạo của một làng nghề tương đối trẻ và sự bắt phá đi lên từ khó khăn. Suốt hơn một thế kỷ miệt mài theo nghề thêu, từ những bước đầu sơ khai học nghề tích lũy kinh nghiệm, đến nay làng thêu Minh Lãng đã chinh phục được những tuyệt đỉnh của nghệ thuật thêu tay truyền thống và là một trong những cánh chim đầu đàn trong làng thêu Việt Nam.

Đa dạng mẫu mã sản phẩm
Đa dạng mẫu mã sản phẩm

Nếu trước đây các mặt hàng thêu và kỹ thuật thêu còn đơn giản với một số gam màu chỉ cơ bản như xanh, đỏ, tím, vàng, lục… Thì ngày nay, nguyên liệu đã thực sự đa dạng hơn từ chất liệu vải thêu như xa tanh, lụa… đến các loại chỉ tơ nhiều màu được lựa chọn kỹ lưỡng hoặc nhập khẩu từ những hãng nổi tiếng trên thế giới như DMC, Anchor… Chính vì vậy nên nghề kỹ thuật thêu tinh xảo có điều kiện phát triển từ thêu hàng trắng, hàng nổi, thêu kết hợp dua, ren…đáp ứng không chỉ nhu cầu sử dụng thông thường trong may mặc mà còn được sử dụng mang tính chất trang trí mỹ thuật. Những mặt hàng mới này đã đáp ứng được nhu cầu thị hiếu của người tiêu dùng ở nhiều quốc gia trên thế giới như Nhật Bản với thêu trang trí cho kimono, Pháp, Ý với mặt gối áo, khăn trải giường … được thêu chỉ lụa trên nền vải mỏng, trong suốt… nhưng tinh xảo nhất phải là tranh thêu chân dung, phong cảnh. Bằng cây kim và sợi chỉ, người thợ đã vẽ nên chân dung, phong cảnh đầy sinh động.

Do mẫu mã đẹp, giá cả phù hợp với nhu cầu tiêu dùng và tạo dựng được uy tín, đã có rất nhiều đối tác nước ngoài đến đặt hàng và nghề thêu Minh Lãng ngày càng được phát triển. Nhiều doanh nghiệp được hình thành từ làng nghề. Thêu đã đi sâu vào đời sống vật chất, tinh thần người dân vùng đất này và lan tỏa sang nhiều vùng lân cận như huyện Đông Hưng, Thái Thụy, Quỳnh Phụ, thị xã Thái Bình. Nghề thêu ở Minh Lãng hứa hẹn sẽ còn tiến xa trong tương lai. Làng thêu Minh Lãng đang đứng trước những thuận lợi mới để phát triển, người dân nơi đây lại có điều kiện hơn để ngày ngày tiếp tục thêu dệt nên một Minh Lãng trù phú, giàu đẹp.

|   Đọc thêm: